Sonntag, 17. Februar 2013

Lan man cà phê

(Chủ blog đọc được comment của bạn có nick NgaVoi Nguyen trên trang Hiệu Minh về chủ đề cà phê thấy hay hay có thể giúp những ai nghiền thức uống này có thêm thông tin tham khảo. Mong bạn Voi không bắt lỗi vụ chôm chỉa này!)

Voi cũng nghiện cà phê và có được học rất kỹ về bar. Voi xin phép lan man chút ít!
Có 2 loại cà phê:
1) Cà phê pha máy: Arabica là loại cà phê cao cấp. Vì sao gọi là cao cấp? Vì nó được trồng ở độ cao 1.200m đến 1.700m so với mặt nước biển. Hạt chắc, khô, giống của Nam Mỹ. Được trồng nhiều ở Braxin. Thường được rang, xay mộc. Ý là nước nhập khẩu và sản xuất chế biến loại này ngon nhất. Dòng Arabica có mùi thơm đặc trưng của cà phê. Giá thành tùy theo loại, thường ở mức 700.000 đến 1.500.000 đồng/ kg. Các loại cà phê máy nổi tiếng: Expresso, Cappuccino. Mocha, Latte, Marocchino.
2) Cà phê pha phin: Robusta: là loại cà phê thường. Trồng ở độ cao 700m đến 1200m so với mặt nước biển. Do độ cao thấp nên hạt không chắc, độ ẩm cao, mùi vị kém. Thường được rang xay với nhiều loại hương liệu khác nhau cho ra nhiều màu sắc và hương vị khác nhau. Dòng này, VN có nhiều thương hiệu nổi tiếng: Trung Nguyên, Vinacafe, Mê Trang…
Người Việt quen uống cà phê pha phin. Sau này do cuộc sống bận rộn nên hay uống loại pha sẵn. Văn hóa cà phê giữa hai miền Nam Bắc lại cũng có những cái khác nhau. Tệ hơn, giờ vì lợi nhuận, cà phê các bác uống bị trộn nhiều bắp rang (ngô) và đủ thứ thiên lủng hóa chất công nghiệp. Bác nào uống ly cà phê đen mà thấy sánh quá, màu hơi đen quá, uống vào thấy tim đập nhanh, hồi hộp, hoặc cảm giác như bị đầy hơi cả ngày không hết, đích thị là loại có nhiều hóa chất rồi! Không phải bị say cà phê đâu ạ! Voi khẳng định là cà phê ở hàng quán Việt Nam không có quán nào rang xay cà phê mộc. Hihi..
Cà phê Robusta, loại Việt Nam trồng, nếu rang xay mộc, không tẩm ướp hương liệu, hóa chất thì khi pha ra nó không thể có độ sánh nhiều, không thơm lừng, chỉ thoang thoảng thôi, có màu cánh gián, vị nhẹ, nhấp vào hơi đắng đầu lưỡi nhưng sau khi nuốt thì có hồi lại vị ngọt và chút xíu chua ở cổ. Giờ chẳng mấy ai uống loại này. Người ta đòi phải có thơm ngậy, vị béo của bơ, mặn của muối, chua, đắng, ngọt đủ cả..nên tất nhiên là kể cả Trung Nguyên cũng không thể không tẩm ướp cho phù hợp với thị hiếu của mọi người.
Cà phê Arabica pha máy ở Việt Nam hiện nay cũng thuộc dòng bát nháo. Một máy pha đúng tiêu chuẩn về độ nóng của nước, đúng tiêu chuẩn về áp suất để tạo bọt, đánh sữa..ở Hà Nội chỉ có vài cái vì giá thành của máy rất đắt, hơn 500 triệu một máy. Những quán cà phê ở Hà Nội hiện nay đa số dùng loại máy khoảng 100 triệu 1 máy. Cà phê thì dùng cà phê dòng Robusta thay thế cho Arabica, đánh sữa, tạo bọt, vẽ trang trí đẹp mắt chứ không ngon.
Về cách pha cà phê, chuẩn là 30 tách/ kg. Nhưng hiện nay các quán pha được gần 40 tách. Trước khi pha, tách, phin phải được nhúng (dội) qua nước sôi để làm nóng thì khi cho cà phê vào phin, cho ít nước vào ủ một lúc cho ngấm, sau đó mới cho nước vào pha thì cà phê mới ra được hết và giữ được độ nóng cao. Ở nhà Voi pha thì cầu kỳ, ra quán thì có mơ cũng không thể có được quán nào pha như thế. :-) .
Voi thấy Starbucks vào Việt Nam thì cũng thế. Voi không phản đối mà cũng chẳng mặn nồng. Thị trường mở cửa chung. Anh nào đáp ứng được nhiều nhu cầu thị hiếu của thị trường thì anh đó thắng thôi. Voi cũng chẳng mặn mà với Trung Nguyên vì không thích loại tẩm ướp hương liệu nhiều quá như thế. Với lại bây giờ về chuyện ăn uống thì nhiều người ăn theo phong trào là chính. Ăn uống miếng ngon, miếng dở có khi cũng chẳng phân biệt được! Hihi.. Thiệt đó! Voi làm về dịch vụ ăn uống nên Voi biết. Sợ nhất là nấu và phục vụ loại nhà giàu mới nổi ở Việt Nam! Nhọc lắm! Hihi..
Thời buổi công nghiệp, ăn nhanh, uống nhanh..làm ăn gian dối..thì thôi thì tặc lưỡi chấp nhận khi phải ngồi quán xá uống tách cà phê vì giao tiếp vậy. Nếu muốn yên tâm, các bác nghiện cà phê phin thì nên mua loại Robusta Buôn Mê Thuộc loại rang xay mộc, về tự pha là ngon và tốt nhất ạ!
(đây chỉ là còm trao đổi quanh một chủ đề liên quan đến cà phê của bạn Voi. Mình thấy hay thì chôm về. Bạn đọc tham khảo còn đúng sai tùy kinh nghiệm và kiến thức mỗi người nhé!)

0 Kommentare:

Kommentar veröffentlichen