Tiếp theo bản tin cuả anh Nguyễn Long Thao 2/20/2013 về việc ĐTC Bênêđictô XVI có thể thay đổi luật bầu Giáo Hoàng, ngày hôm nay, một số chi tiết mới về những thay đổi đã được phát lộ thêm trên hai vấn đề: Thời điểm cuộc Mật Nghị và Tỷ Số bầu cử.
Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là những đồn đoán từ những người thạo tin, chúng ta cần phải chờ để "Chúng ta sẽ biết rõ hơn khi một tài liệu mới cuả ĐTC được công bố", theo như lời cuả linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, phát ngôn viên cuả Toà Thánh.
Thời điểm cuộc Mật Nghị:
Cha Lombardi cho biết rằng những chi tiết mà Đức Giáo Hoàng dự định thay đổi là để giải quyết một vài khác biệt giữa bản nội qui cuả cuộc bầu cử và cuốn sách kinh dùng cho việc thực hiện các nghi lễ cuả cuộc bầu cử, trong đó có câu hỏi khi nào thì cuộc họp kín có thể bắt đầu.
Theo lời Cha Lombardi thì Đức Thánh Cha đang nghiên cứu và sẽ phát hành một tài liệu "trong vài ngày tới, trước khi việc 'trống ngôi' ('Sede vacante') bắt đầu, để làm rõ một số điểm cụ thể đã được đề ra trong những năm gần đây về bản nội qui bầu cử Giáo Hoàng".
"Tôi không biết nếu ĐTC sẽ thấy là cần thiết hoặc cần phải làm sáng tỏ thêm về thời gian khởi đầu cuộc họp kín (bầu Giáo hoàng) hay không," theo lời Cha Lombardi.
Theo những quy định trong "hiến chương tông đồ"( "Universi Dominici Gregis") về việc 'trống ngôi' và bầu cử một vị tân giáo hoàng, thì các hồng y hiện diện tại Roma "phải chờ đủ 15 ngày, cho những người vắng mặt " trước khi họ có thể đóng cửa buổi mật nghị và bắt đầu chương trình bầu cử Giáo hoàng mới.
Một câu hỏi đã được nêu ra là liệu có cần phải đợi đúng 15 ngày hay không nếu tất cả các vị hồng y đã tập hợp đầy đủ ở Roma rồi. Nói cách khác vì không có ai vắng mặt, thì chuyện phải chờ cho những người ấy không còn cần thiết nữa.
Ông Ambrogio Piazzoni, phó quản thủ Thư viện Vatican và là tác giả của cuốn sách "Lịch sử của cuộc bầu cử Giáo Hoàng", cho biết theo ông thì con số 15 ngày là chỉ liên hệ với việc tập họp cuả các hồng y, và họ có thể bắt đầu cuộc mật nghị sớm hơn nếu mọi người đã có mặt.
Ông Piazzoni cho biết thêm là quy tắc 15 ngày chỉ mới được thêm vào hồi đầu thế kỷ trước mà thôi. Đức Giáo Hoàng Benedict XV đặt ra năm 1914, sau khi Ngài được bầu tại một cuộc họp kín khởi sự 10 ngày sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Piô X, nhưng đã có một số hồng y từ Boston, Baltimore và Quebec không đến Roma kịp để tham gia.
Trong trường hợp năm nay, các hồng y sẽ về Roma trước ngày 28 tháng 2 để tiễn biệt ĐTC, cho nên lập tức ngay sau khi 'trống ngôi' thì đã có đủ số hồng y rồi.
Cha Lombardi cho biết đã có nhiều chuyên gia lập luận rằng con số 15 ngày có thể thay đổi dễ dàng dù cho Đức Thánh Cha không quyết định việc ấy, vì một phần khác của "Universi Dominici Gregis" viết rằng, "nếu có sự nghi ngờ liên quan đến các quy định trong hiến chương, hoặc liên quan đến thể thức thực hiện, thì 'Ta' nghị định rằng quyền ban hành một phán quyết về vấn đề này thuộc về Hồng Y Đoàn, và 'Ta' ban quyền đó cho Hồng Y đoàn được phép diễn giải các điểm nghi ngờ hoặc có mâu thuẫn. "
Nói cách khác nếu ĐTC không quyết định trong 'tài liệu' mới, thì sau ngày 28 tháng 2, các hồng y vẫn có thể họp và quyết định bắt đầu cuộc Mật Nghị sớm hơn.
Tỷ Số bầu cử:
Một chi tiết khác có thể được thay đổi đó là tỷ số cần thiết để chọn một giáo hoàng.
Trong các vòng bầu cử, một vị giáo hoàng sẽ được chọn khi số phiếu đạt được đa số 2 phần 3.
Nếu 117 hồng y đi vào mật viện, thì vị hồng y nào đạt được 78 phiếu đề cử sẽ là giáo hoàng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sửa đổi quy tắc trên như sau: Sau một vài vòng bỏ phiếu, nếu không có vị hồng y nào đạt được số phiếu 2/3, thì một đa số đơn giản (50% cộng 1) có thể được sử dụng.
Tuy nhiên sau đó, Đức Giáo Hoàng 'đương kim' Biển Đức, đã thay đổi quy tắc cuả Đức Giáo Hoàng John Paul II và phục hồi truyền thống 2/3 trở lại giống như trước năm 2007.
Người ta suy đóan Ngài có thể thu hồi sắc lệnh cuả mình để áp dụng qui tắc cuả Đức Giáo Hoàng John Paul II, vì như vậy thì cuộc họp kín bầu Giáo hoàng có thể rút ngắn thời gian cho kịp muà Phục Sinh.
Trần Mạnh Trác 2/21/2013
Nguồn Việt catholic
0 Kommentare:
Kommentar veröffentlichen